Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

Chuyện mua giày Burberry

Dáng giày có hợp với cấu tạo bàn chân hay không là một yếu tố quan trọng quyết định sự thoải mái. Giày búp bê loại đơn giản ở Burberry (phần lớn dưới €500) không phải là quá mắc so với các nhãn hàng sang chảnh khác, nhưng nó cũng là một khoản đầu tư không nhỏ. Mình quyết định viết bài này vì 

(1) quá ấn tượng trước cách phục vụ của nhân viên ở đây; và 
(2) dáng giày của Burberry khá kén chân
Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu thêm về dáng giày búp bê của Burberry và quyết định nó có hợp với bạn không (trước khi bạn đặt mua hàng online chẳng hạn).

Phần 1: Quá trình mình chọn lựa và thái độ phục vụ của nhân viên.
Phần 2: Mô tả dáng giày và gợi ý cấu trúc chân phù hợp để mang.
Phần 3: Nhận xét về độ thoải mái của giày.
Phần 4: Cách bảo quản giày.
------------------------------------------------

1. TRONG CỬA HÀNG
Sau khi lượn qua lượn lại, cầm lên đặt xuống, thì mình đã thu hẹp lựa chọn chỉ còn hai đôi sau. Hai đôi này cùng một mẫu, chỉ khác nhau về màu sắc.
Bên trái: mũi và gót màu đen, bên hông là hoa văn Nova Check
Bên phải: mũi và gót màu kem, bên hông là hoa văn Smoked Check (hình web)

Chất liệu: canvas and patent leather upper, leather lining, rubber sole.
Nhiều người hay hiểu nhầm patent leather là chất liệu giả da hoặc PVC, nhưng đúng ra thì patent leather là da thật, đã qua xử lý và được phủ dầu hạt lanh để tạo bề mặt bóng loáng. Như vậy, mẫu giày này có phần bên hông là vải bố in hoa văn đặc trưng của Burberry, đế giày cao su, còn lại là phối các loại da.
Phần mũi và gót giày có dây thun để co giãn theo dáng chân.

Size:
Chân mình khoảng size EU 35.5, nên mình yêu cầu nhân viên cho thử size 35 và 36. Do dáng giày (mình sẽ viết chi tiết về dáng giày ở phần 2 nhé), mình mang vừa 35, nhưng hơi khó chịu. 36 bị dư gót nhưng thoải mái hơn. Một điều kỳ lạ là mình mang rộng đôi kem 36 nhưng rất chật vật để nhét vào đôi đen 36. Lưu ý là 2 đôi này chỉ khác màu, chứ cùng một dòng, cùng một mẫu, cùng một lô sản xuất nhé.
Đây là phần khiến mình ấn tượng đến suýt ngất. Chị nhân viên nói rằng: “Thật kỳ lạ là em không mang vừa đôi đen size 36. Nhưng mỗi chiếc giày có thể tạo cho người mang cảm giác khác nhau. Em thử một đôi đen size 36 khác nhé”. Và thế là chị ấy vào kho lấy ra tất cả những đôi đen size 36 của mẫu này. Vâng, vẫn là mẫu này! Chúng nó y chang nhau từ A đến Z, nhưng chị ấy kiên nhẫn mang cho mình thử từng chiếc một, vì biết đâu cảm giác của mình trên từng chiếc giày riêng biệt sẽ khác nhau. Sau cùng thì mình vẫn thấy thoái mái hơn khi mang đôi màu kem. 
Mình đã từng đi thử giày ở Louis Vuitton, nhân viên lịch sự, bưng trà nước đầy đủ, nhưng chỉ mang đúng những mẫu giày và size mà mình yêu cầu, không vừa hoặc không thoải mái thì thôi. Cuồng nhiệt phục vụ như chị bên Burberry đúng là mình mới gặp lần đầu ^^
Kết thúc vòng thử size, KEM 1 – 0 ĐEN.

Màu sắc: Lúc mới nhìn vào thì mình thích đôi đen hơn, vì đôi kem trông có vẻ nhạt nhòa, thiếu điểm nhấn, nhưng khi thử vào chân thì đôi kem trông nhã nhặn hơn và dễ phối đồ hơn đôi đen. Khi lên đồ, đôi màu kem còn dễ ghi điểm vì trông nó khá tinh tế chứ không quá phô trương như kiểu giày trong hình dưới. Ví dụ một set đồ tại đây.
Ví dụ một mẫu giày mà theo mình là màu sắc hơi phô trương

Vậy là KEM 2 – 0 ĐEN rồi. Mình quyết định mua đôi màu kem.
------------------------------------------------

2. DÁNG GIÀY: 
Theo mình thì dáng giày búp bê của Burberry hơi bị kén người mang. Bạn phải có một cấu trúc chân phù hợp mới thấy thoải mái. Phần lớn giày búp bê của Burberry có dáng giống nhau, nên mình sẽ lấy đôi của mình làm ví dụ.
Một số mẫu giày búp bê trên web Burberry. Phần lớn có hình dáng và chất liệu tương tự nhau.

Chiều rộng: mũi giày không phải là nhọn, nhưng nó thu hẹp về phía mũi và độ co giãn không cao. Nếu chân bạn thuộc loại rộng bề ngang, và các ngón chân “toe” ra chứ không khép vào nhau, thì bạn sẽ không thoải mái đâu. Đôi của mình có mã size là 36W, nghĩa là 36 Widefit, nghĩa là đã thuộc dòng rộng bề ngang của Burberry rồi, mà mình vẫn thấy mũi giày hơi bị hẹp (mình thấy hẹp thôi chứ mang không đau, ko có cảm giác gò bó nhé). Suy ra những dòng không có mã Widefit chắc sẽ khiến mình khó chịu.
Nhãn giày của mình. Size 36W = dòng giày rộng bề ngang

Độ dày của giày cũng không cao. Chân mình thuộc loại mỏng và khá “phẳng” mà mang vừa đủ. Nếu chân bạn thuộc loại đầy đặn thì mang vào sẽ thấy chân dư nhiều ra khỏi giày, trông không thanh lịch lắm.
Mang lên chân mình

Độ dài của giày thì dễ chịu hơn, nhờ có phần dây thun ở gót. Size 36 giày dài hơn chân mình một đoạn khoảng 1cm, nhưng nhờ dây thun mà giày vẫn ôm vào chân, nhìn vào không thấy bị dư, mang cũng thoái mái, không bị nhấc gót.

Tóm lại là mình thấy dáng giày thích hợp với những người có cấu trúc chân mỏng và phẳng, các ngón chân khít và thu hẹp về mũi. Lần đầu tiên mình thấy giày búp bê kén người mang như vậy. Đáng ra giày búp bê là kiểu giày dễ mang và thoải mái cho mọi người chứ. Mình sẽ không ngạc nhiên nếu sau này có một anh tự xưng là Hoàng tử Burberry, dùng giày Burberry để kén vợ, cô nào mang vào vừa hoàn hảo sẽ được cưới về =))
------------------------------------------------

3. ĐỘ THOẢI MÁI:

  • Mình có một phần gót chân cực kỳ nhõng nhẽo. Cho dù mang bất cứ thể loại giày gì, hình dáng thế nào, chất liệu mềm hay cứng, giá cả cao hay thấp thì gót chân luôn bị cạ tóe máu (vì vậy mình luôn phải mang vớ hoặc dán băng cá nhân vào gót). Thế nhưng khi có 1 đôi giày mới, mình luôn thử mang “chay” (không dán băng) để xem sẽ tóe máu cỡ nào -.- 

Mình hân hoan nhận ra là gót chân mình hoàn toàn lành lặn khi mang em Burberry. Phần dây thun ở gót giày khá êm và ôm chặt vào chân, khiến gót chân không bị cạ tới cạ lui khi đi lại.
Chị bán hàng có cảnh báo mình là một số người không thích phần dây thun ở gót giày, nhưng mình thì không thấy có vấn đề gì với nó.

  • Phần mũi giày khá ôm, nhưng không đến nỗi gò bó hay đau đớn. Mình đi bộ liên tục sau 4 tiếng thì bắt đầu thấy khó chịu phần mũi. Dưới 4 tiếng thì không sao.
  • Sau khoảng 15’ mang, phần mu bàn chân tiếp xúc với giày bị cạ đỏin dấu, nhìn không đẹp chút nào (dù mình không thấy đau). Càng mang lâu thì vết đỏ và dấu in càng nghiêm trọng. Có lần mình cởi giày ra trước mặt bạn bè sau khi mang được 2 tiếng, mọi người hoảng hốt hỏi mình có sao không. Thật sự mình hoàn toàn không đau, sau khi tháo giày khoảng 5' thì da trở lại bình thường.
Hình chụp sau 30' mang giày: mu bàn chân chỗ tiếp xúc với giày bị cạ đỏ và in dấu.
------------------------------------------------

4. BẢO QUẢN:

  • Phần mũi giày và gót giày là da bóng, phần hông là vải bố đã được phủ lớp bảo vệ, nên mình có thể dễ dàng dùng khăn ẩm lau sạch bụi hoặc vết bẩn.
  • Kèm theo giày là túi vảihộp giấy cứng để bảo quản.
  • Đối với giày da, thường bạn phải có cây căng giày, vì khi mang nhiều, da sẽ mềm và có thể “chảy” ra, dẫn đến giày bị mất dáng. Nhưng đôi mình mua có dây thun để giúp giày co lại dáng cũ khi mình không mang. Thêm vào đó là phần bên hông bằng vải bố, nên sẽ ít “chảy” hơn da thật. Vì vậy, trên lý thuyết thì đôi này không cần cây căng giày. Thực tế thế nào thì phải để thời gian kiểm chứng thôi.
Kèm theo giày là túi vải và hộp giấy cứng để bảo quản.

TÓM TẮT: nhân viên cuồng nhiệt, dáng giày kén người mang, nhưng nếu mang hợp dáng thì sẽ thấy thoải mái.

OOTD: Áo đan sợi và quần shorts trắng


Áo đan sợi 100% acrylic, vạt lệch (phía sau dài hơn phía trước)
(Hiệu Only, www.only.com)


Quần shorts trắng 98% cotton, gấu quần tua rua, túi trước và sau nạm đinh vàng, rách nhẹ. Vải dày và sần vừa đủ để giữ dáng quần, nhưng cũng đủ mềm để mặc thoải mái.
(Bershka, €14.99)


Túi giả da màu nâu, có đây đeo, nhưng điểm dở là đây đeo quá dài mà không thu ngắn lại được nên mình nhét đây vào trong và cầm tay như clutch luôn.
(Bershka, €17.99)


Giày búp bê hoa văn smoked check
(Burberry, €250)
Review và thông tin chi tiết về giày tại đây.


Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Review: Dưỡng môi Guerlain Baume de la Ferté

Sản phẩm này đã tồn tại từ năm 1830 đến nay, dưỡng môi dựa trên công thức từ hợp chất tannin trong rượu vang ở vùng Bordeaux. (Tannin là một hợp chất polyphenol có trong thực vật có khả năng tạo liên kết bền vững với các protein vá các hợp chất hữu cơ cao phân tử khác. Nó tạo nên vị chát và độ khô của rượu vang khi uống vào.)


Giới thiệu của Guerlain:
  • Có màu nhẹ
  • Bảo vệ môi khỏi khô và nứt
  • Môi được xoa dịu và căng đầy hơn

Cách sử dụng: 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối, hoặc thoa nhiều lần nếu cần thiết

Công dụng: +
Môi mình thường xuyên bị khô: trời nóng khô, trời lạnh khô, uống nhiều nước vẫn khô. Đến thời điểm này thì dưỡng môi mà mình yêu thích nhất vẫn là M.A.C Lip Conditioner (review chi tiết tại đây) nên mình sẽ so sánh 2 sản phẩm này với nhau.
  • Dưỡng môi của Guerlain có màu cam nhẹ (nhìn bẩn bẩn chứ không phải kiểu cam dễ thương -.-), nhưng khi thoa lên môi thì mình thấy không có màu.

  • Mình công nhận là dưỡng môi của Guerlain có giúp môi không khô, nếu môi đang khô nẻ thì khi thoa lên môi sẽ hồi phục lại. Nhưng mình cho rằng M.A.C Lip Conditioner hiệu quả hơn. Lý do:

(i) Cần dùng một lượng sản phẩm Guerlain nhiều hơn M.A.C để đạt hiệu quả dưỡng/hồi phục môi
(ii) Khi mím môi, M.A.C tạo cảm giác trơn láng, có thể cạ cạ môi trên môi dưới cho vui, còn Guerlain dưỡng ẩm môi theo kiểu hoàn toàn khô ráo, không thể cạ môi trên môi dưới
(iii) Khi chỉ dùng để dưỡng môi mà không có son, hiệu quả của M.A.C ngắn hơn Guerlain một chút, cần thoa lại thường xuyên hơn
(iv) Nếu có thoa son, M.A.C giúp son lên môi mịn hơn và lâu khô. Guerlain khiến son khó bám và môi mau khô hơn
(v) Khi môi đang nứt nẻ, thoa M.A.C lên sẽ hồi phục nhanh và có cảm giác dịu nhẹ; thoa Guerlain lên sẽ bị đau rát và hồi phục lâu hơn

Mùi hương: -
  • Để miêu tả mùi của dưỡng môi Guerlain thì từ chính xác nhất là “kinh dị”. Mùi chuột chết? Mùi cao su cháy? Mùi cồn? Tất cả trộn lại với nhau? Mình không thể xác định nổi, nhưng đại loại là vậy. 
  • Mình dùng Guerlain lần đầu tiên vào một đêm nọ trước khi đi ngủ, hậu quả là thức thêm mấy tiếng vì mùi hương nồng nặc xộc vào mũi, mùi vừa khó chịu vừa bám lâu chứ không bay đi. 
  • Lần đầu tiên ngửi phải mùi này mình rất hoảng loạn và tin chắc rằng mình đã mua phải hàng quá đát nên bị hư. Mình định sẽ mang ra cửa hàng trả lại ngay. Nhưng khi lên mạng đọc kỹ lại một số reviews thì đúng là mọi người có nói mùi của em này cực kỳ đáng sợ :(
  • Đến nay mình đã sử dụng nó khoảng 1 tháng, mình vẫn không thể chấp nhận mùi của nó, được cái là mình đã khá quen nên không bị mất ngủ nữa.
  • Khi thoa em này mình tuyệt nhiên không muốn ăn uống gì. Nếu ăn thì phải lau sạch môi, vì nếu vô tình nếm phải mùi vị của nó thì chỉ muốn nôn.
  • Mùi hương này kinh dị đến mức cho dù em Guerlain có tốt hơn và rẻ hơn em M.A.C ngàn lần thì mình cũng không muốn mua.

Giá cả: -
  • €26.95 cho 15ml. Made in France (M.A.C Lip Conditioner là €15.50 cho 15ml)
  • Số tiền này quá lớn cho một sản phẩm hiệu quả chưa xuất sắc mà người sử dụng còn bị tra tấn bởi mùi hương.

Bao bì: +
  • Bao bì gồm hộp giấy xanh dương và tuýp nhựa trắng nắp vàng, chữ nhũ vàng.
  • Mình luôn thích bao bì dạng tuýp hơn dạng thỏi hoặc lọ. Với tuýp, mình có thể nặn sản phẩm ra ngón tay, rồi thoa lên môi. Với điều kiện tay sạch thì sản phẩm sẽ ít bị vi khuẩn xâm nhập hơn. Đối với dạng lọ, việc đưa cả ngón tay vào lọ để lấy sản phẩm là mình đã không thích rồi; chưa kể những lúc móng tay dài, chưa lấy được sản phẩm thì đã bị ‘kẹt’ một đống vào móng tay T_T


Tiếp cận: +/-
Không phổ biến toàn cầu nhưng rất dễ tìm ở châu Âu và ở Mỹ.

Kết luận: -
Mình lỡ mua thì cố gắng dùng tiếp cho đỡ tiếc chứ không bao giờ muốn đụng vào nó lần nữa.

Recommendation:
Dành cho những bạn khướu giác không hoạt động, fan cuồng nhà Guerlain, hoặc làm quà tặng cho người bạn không ưa.

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

12 thành phần nguy hiểm nhưng phổ biến trong mỹ phẩm

Đây là bản dịch của mình từ bài viết "12 thành phần đã bị cấm bởi Liên minh châu Âu nhưng vẫn tồn tại trong các sản phẩm làm đẹp ở thị trường Mỹ" của Kimberly Wang, đăng trên BuzzFeed ngày 5 tháng 4 năm 2014.

Giá cả mỹ phẩm ở châu Âu cao hơn ở Mỹ, số lượng sản phẩm lại không phong phú bằng Mỹ. Tuy nhiên, kiểm duyệt chất lượng và thành phần mỹ phẩm ở châu Âu gắt gao hơn ở Mỹ nhiều. Mình nghĩ rằng đây là một bài viết có ích cho những bạn hay mua mỹ phẩm từ thị trường Mỹ. Bạn sẽ nhận ra nhiều cái tên quen thuộc như Triclosan (kem đánh răng) hay Salicylic acid (chất trị mụn) đấy! 
-------------------------------------------

Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành cấm vận cho hơn 1300 thành phần, trong khi Mỹ chỉ cấm hoặc hạn chế 11 thành phần. 

1. Selenium sulfide: dùng để trị gàu, nhưng có thể gây ung thư 

Ứng dụng: Chất trị gàu trong một số dầu gội.
Lý do bị cấm bởi EU: Theo nghiên cứu của Chương trình chất độc quốc gia Mỹ (The US' National Toxicology Program), nó là một chất có khả năng gây ung thư.

2. Hydroquinone: tẩy đốm da, nhưng có thể gây ung thư

Ứng dụng: Làm sáng da, làm mờ đốm da do sắc tố.
Lý do bị cấm bởi EU: Nghiên cứu trên chuột của Tạp chí Ung thư Anh (The British Journal of Cancer) cho thấy liều dùng cao có thể dẫn tới ung thư.

3. P-Phenylenediamine: giúp đổi màu tóc, nhưng có thể gây sưng phù và tử vong

Ứng dụng: Dùng trong thuốc nhuộm tóc, nhất là những màu nhuộm tối.
Lý do bị cấm bởi EU: Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (The US Environment Protection Agency), nó có thể gây viêm da, hen suyễn, và trong một số tình huống nghiêm trọng hơn, nó gây sốc phản vệ, dẫn tới tử vong.

4. Salicylic acid: chữa mụn, nhưng có thể gây ngộ độc

Ứng dụng: Ứng dụng phổ biến nhất là trị mụn trứng cá. Nó cũng có thể được dùng như một chất bảo quản.
Lý do bị cấm bởi EU: Việc sử dụng nó làm chất bảo quản vừa bị cấm vào tháng 2/2014. Nó có họ hàng gần với với Acetylsalicylic acid (thuốc aspirin), có thể gây ngộ độc salicylate và hội chứng Reye ở trẻ em và thanh thiếu niên, theo báo cáo của Ủy ban Khoa học châu Âu (The Scientific Committee - European Commission).
(Mình giải thích thêm một tí cho những bạn không biết về hội chứng Reye: hội chứng Reye có thể gây hạ đường huyết, phá hủy các cơ quan như não hoặc gan, và gây tử vong. Nguyên nhân chưa được xác định chính thức, nhưng người ta tìm thấy mối liên hệ giữa hội chứng này và việc cho trẻ em uống aspirin)

5. Formaldehyde: là một chất bảo quản hiệu quả và giúp sơn móng tay bám tốt hơn, nhưng nó có thể gây vấn đề đường hô hấp

Ứng dụng: Chất bảo quản, chất giúp sơn móng tay bám vào móng.
Lý do bị cấm bởi EU: Nó có thể tồn tại ở dạng khí khi kết hợp với các chất khác, dẫn đến việc người sử dụng hít phải nó. Đây là một chất gây ung thư (xác định bởi Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ rồi, chứ không phải "có thể" gì nữa), và có thể gây vấn đề hô hấp.

6. Quaternium-15: chất bảo quản trong mỹ phẩm, nhưng tạo ra Formaldehyde

Ứng dụng: Chất bảo quản trong nhiều loại mỹ phẩm, ví dụ như nước tẩy sơn móng tay hoặc phấn mắt.
Lý do bị cấm bởi EU: Tạo ra Formaldehyde (là chất vừa kể trên số 5 đó)

7. Talc: giúp da không bóng dầu, nhưng gây ung thư

Ứng dụng: Một chất khoáng thường được dùng trong mỹ phẩm dạng bột hoặc chất khử mùi
Lý do bị cấm bởi EU: Ở trạng thái tự nhiên, talc chứa asbestos, là một chất gây ung thư theo nghiên cứu của Hội Ung thư Mỹ (American Cancer Society). Chương trình chất độc quốc gia Mỹ (The US' National Toxicology Program) nghi ngờ thậm chí talc không chứa asbestos cũng có thể gây ung thư.

8. Titanium dioxide: lọc các tia UV, nhưng có thể gây ung thư

Ứng dụng: Chất lọc các tia cực tím trong kem chống nắng, đôi khi nó cũng được dùng làm chất mờ/chất màu trắng (opacifier/white pigment) trong sản phẩm trang điểm.
Lý do bị cấm bởi EU: Theo Hội Ung thư Mỹ, nó có thể gây ung thư khi hít phải và có thể làm ngộ độc các cơ quan trong cơ thể.

9. Triclosan: diệt vi khuẩn và bảo vệ nướu, nhưng có thể gây rối loạn nội tiết (hormones) hoặc suy tim

Ứng dụng: Chất chống viêm nướu trong kem đánh răng, chất diệt khuẩn trong xà bông cục, chất bảo quản.
Lý do bị cấm bởi EU: Theo nghiên cứu của các trường ĐH California, Davis, và Colorado, nó có thể gây suy tim và làm yếu chức năng của các cơ bắp. Theo nghiên cứu của trường ĐH Alabama, nó có thể gây hại cho hệ thống nội tiết, gây dị tật bẩm sinh và hệ thống miễn dịch suy yếu.

10. Butylparaben: chất bảo quản, nhưng có thể gây vô sinh ở nam giới

Ứng dụng: Một chất bảo quản phổ biến trong nhiều sản phẩm, ví dụ như kem dưỡng da, nước hoa, thuốc nhuộm tóc.
Lý do bị cấm bởi EU: Theo báo cáo của Khu Tam giác nghiên cứu (Research Triangle Park, North Carolina), nó đóng giả estrogen (hormone của cơ quan sinh dục nữ), gây hại đến cơ quan sinh sản nam ở loài chuột.

11. Zinc stearate: mang đến đôi má xinh xắn, nhưng gây khó thở

Ứng dụng: Chất tạo màu và chất chống đông cứng (anti-caking) trong mỹ phẩm, ví dụ như phấn má.
Lý do bị cấm bởi EU: Theo thông tin trên Mạng Thông tin chất độc (Toxicology Data Network) thuộc Sở Y tế Mỹ (The US Department of Health and Human Service), nó gây vấn đề hô hấp khi hít phải liều lượng cao.

12. Lead acetate: che tóc bạc, nhưng có thể gây ngộ độc chì  

Ứng dụng: Dùng trong thuốc nhuộm tóc, nhất là các thuốc nhuộm tóc bạc.
Lý do bị cấm bởi EU: Theo Tạp chí của Hiệp hội Dược phẩm Mỹ (Journal of the American Pharmaceutical Association), có rất ít bằng chứng về việc chất này thấm qua da đầu khi nhuộm tóc. Tuy nhiên, nó có thể bám lại trên tay, lược, máy sấy, và người ta vô tình ăn phải, dẫn tới ngộ độc chì (co giật, hôn mê, tử vong)
-------------------------------------------

Bạn có thể nhận thấy phần lớn các thành phần này chỉ là "có thế gây ung thư", hoặc gây hại khi trúng phải "liều lượng lớn". Tuy nhiên, Liên minh châu Âu vẫn cấm hết cho chắc ăn. Trên tư cách là một người tiêu dùng (hay đúng hơn là một con nghiện mỹ phẩm), mình ủng hộ quan điểm này, "phòng bệnh hơn chữa bệnh" mà ^^
Tất cả credits về hình ảnh và links đến các nghiên cứu trên có thể được tìm thấy ở bài viết gốc (tiếng Anh).

Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Beauty Haul & First Impressions Q1/2014

Đây là bài viết về những sản phẩm trang điểm - dưỡng da mình đã mua trong quý 1/2014 và ấn tượng ban đầu của mình về chúng. Review chi tiết cho từng sản phẩm hy vọng sẽ sớm viết xong.

Tháng 1: về nhà ăn Tết nên tranh thủ mua mấy món ở VN

1. Hazeline chiết xuất gạo (
25k cho 4g)
Mình đã dùng cái này từ lâu, chấm lên nốt mụn để mụn khô nhanh hơn. Review chi tiết tại đây.

2. Mascara Maybelline Magnum Volum' Express Waterproof (
148k cho 9.2ml)
Cũng đã dùng từ lâu, review chi tiết tại đây.

3. Bút kẻ mắt Maybelline Hypersharp (
148k cho 0.5g)
Mình khá ưng ý với “mực” của bút này (màu đen chuẩn, bám lâu, mỏng nhẹ), nhưng đầu bút có vẻ không bền lắm (lúc đầu sắc nét nhưng sau khoảng 10 lần sử dụng thì đầu bút không mảnh như ban đầu). Nhìn chung, với mức giá 148k thì đây là 1 sản phẩm tốt. 

Review chi tiết tại ĐÂY.

4. Kem dưỡng da Olay Natural White All in One Fairness (
25k cho 20g)
Ấn tượng ban đầu: best 25k ever spent!

Update: Mình đã review chi tiết ở ĐÂY.

5. Bông rửa mặt Etude House Natural Jelly Cleansing Puff (
90k)
Êm dịu cho da mặt hơn loại bọt biển màu vàng, có vẻ cũ đi hơi nhanh. Lúc mới mua nhìn xinh xắn dễ thương lắm nhưng sau 1 tháng sử dụng thì hơi tàn tạ (như hình)
------------------------------

Tháng 2: 

6. Son Chanel Rouge Coco #54 Le Baiser (
32.99)
Ngày 17/2 Chanel tung ra bộ sưu tập mỹ phẩm mới cho mùa xuân hè 2014. Ngày 18/2 mình nhào ra shop định mua Rouge Coco Shine #91 Boheme (màu đỏ hồng kiểu kẹo dâu), nhưng đến nơi lại quay qua thích #54 Le Baiser (màu hồng tươi ánh vàng). 
Về texture: không mịn và không dưỡng ẩm môi tốt như dòng Rouge Coco Shine. 
Về màu sắc: lúc mình mới mua thời tiết còn nhiều mây âm u kiểu mùa đông, dùng thấy không hợp lắm, nhưng càng về sau, lúc trời càng nhiều nắng thì màu son này càng thấy đẹp. Kiểu lên màu tươi tắn rất hợp với xuân hè. Cái tên tiếng Pháp “le baiser” có nghĩa là “nụ hôn”, màu ngọt ngào mà tên lại càng ngọt ngào, yêu chết được! ♥


7. Dưỡng môi Guerlain Baume De La Ferté (
26.75 cho 15ml)
Mình thích gì ở sản phẩm này? NOTHING! Bài review mà mình sắp viết cho em này chắc là bài chê bai nhiều nhất mà mình từng viết :(
Update: Mình đã viết bài review dưỡng môi Guerlain ở đây.
------------------------------

Tháng 3:

8. Kem mắt de Tuinen Dode Zee (
€11.49 cho 50ml)
Kem mắt chứa khoáng chất từ Biển Chết ('dode zee' trong tiếng Hà Lan). Đây là sản phẩm thuộc loại hypoallergenic: không chứa SLS, parabens, chất tạo màu, dầu khoáng, và hương liệu. Mình thấy nó cực kỳ mỏng nhẹ và dưỡng ẩm tốt cho mắt.

9. Dưỡng môi Labello Sun Protect SPF 30 Waterproof (
€3.29)
Mùa hè sắp đến rồi nên mình muốn tìm 1 sản phẩm dưỡng môi tích hợp khả năng chống nắng. Dành cho môi thì nên dùng từ SPF 15 trở lên. Labello là dòng dưỡng môi phổ biến, giá rẻ nên mình muốn mua thử. 
Update: mình đã review nó ở đây.

10. Kem dưỡng da Yves Rocher Hydra Végétal SPF 25 (
€10.90 cho 50ml)
Kem dưỡng ban ngày tích hợp khả năng chống nắng, mình mua chuẩn bị cho mùa hè. Không chứa parabens, dầu khoáng, và chất tạo màu. Mình chưa dùng.

Update review:

11. Nước hoa cúc tinh khiết Yves Rocher Pure Calmille Gentle Floral Toner (€4.90 cho 200ml)
Đây là một dạng tương tự nước hoa hồng, dùng sau sữa rửa mặt, lấy đi makeup còn sót lại, làm sạch, và làm mềm da. Không chứa cồn. Mình chưa dùng.
Update: mình đã review nó ở đây.