Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

Một số sản phẩm chăm sóc da bị kích ứng (mặt/cơ thể)

Bài viết này xuất phát từ việc mình bị kích ứng da nặng. Ban đầu là dị ứng thời tiết/ thức ăn thông thường, nhưng do bác sĩ chẩn đoán sai và cho uống kháng sinh, dẫn đến dị ứng kháng sinh và các vấn đề ban đầu càng trầm trọng hơn. Hiện nay mình vẫn chưa điều trị xong, nhưng mình tranh thủ chia sẻ những sản phẩm mình đã và đang dùng qua để đối phó với tình hình. Mình bỏ qua những loại thuốc uống và thuốc thoa da đặc trị cần toa bác sĩ, chỉ giới thiệu những sản phẩm tự mua được. Những sản phẩm trong bài có thể phù hợp cho những bạn da siêu khô, da nhạy cảm, da chàm (eczema), da thâm, da sẹo.

-----

SỮA TẮM NEUTRAL 

Lý thuyết: Sữa tắm thuộc hãng Unilever, nhưng là hàng nội địa Hà Lan chứ không có ở nước ngoài, dễ dàng mua được trong mọi cửa hàng và siêu thị ở HL. Đặc biệt sản xuất cho da nhạy cảm, cân bằng pH, không chứa chất tạo màu, tạo mùi, parabens. 

Mình mua: €4.29 cho chai 250ml.

Thực tế:
- Mình đã từng dùng thử qua sữa tắm Neutral trước đây 1-2 lần vì bạn trai cũ của mình (người HL) chỉ tin dùng hiệu này. Lúc đó mình thấy cũng OK, nhưng không thích lắm, vì mình ham hố những sữa tắm có mùi thơm ơi là thơm hơn.
- Bây giờ te tua mới thấy sữa tắm Neutral chính là chân lý. Cực kỳ dịu nhẹ cho da, mà vẫn làm sạch tốt, chứ không phải tắm xong mà cảm thấy người còn dơ.
-----

DEXERYL CREAM

Lý thuyết: Đây là kem dưỡng của hãng dược da liễu Pierre Fabre (Pháp). Kem bảo vệ da, làm mềm ẩm da khô, dùng được cho người da khô kinh niên, chàm (eczema), và các bệnh về da khác (các bạn có bệnh hỏi kỹ bác sĩ trước nhé).

Thành phần: Glycerol 15%; Paraffin Liquid 2%; Vaseline 8%

Mình mua: €6.30 cho tuýp 250g.

Thực tế:
- Da mình khô nặng, tróc ra từng mảng. Quần áo và chăn ga giường lúc nào cũng đầy vảy da trắng li ti. Da non mới lên cũng khô và nhạy cảm. Mình tìm mua Dexeryl ngay khi được cô bạn thân giới thiệu vì da bạn ấy cũng thuộc loại khô kinh niên. Kem này khó mua ở Hà Lan, mình hỏi mấy tiệm thuốc đều không có nên phải đặt mua trên mạng.
- Đến lúc mình biết đến Dexeryl và hàng được gửi đến nhà thì da mình cũng không còn tệ như thời kỳ dị ứng đỉnh cao. 
- Chất kem không màu, không mùi. không bết dính. Khá loãng, dễ thoa, và thấm nhanh vào da. Dưỡng ẩm tốt, mà giá lại rẻ. Mình rất hài lòng (cảm ơn Phương iu) và dự định sẽ mua hẳn loại 500g (có vòi bơm) sau khi dùng hết tuýp này. Các bạn da khô kinh niên nên dùng thử nhé. 
-----

SHEA BUTTER 

Lý thuyết: Lành tính, nuôi dưỡng và làm ẩm da, giàu vitamin A, D, E, và F. Kích thích sinh trưởng tế bào da và tăng khả năng phục hồi da. 

Mình mua: Shea butter 100% nguyên chất, giá €11.39 cho lọ 50ml. 

Thực tế: 
- Chất kem không màu không mùi.
- Shea butter nguyên chất dạng bánh đặc, phải dùng muỗng hoặc que (hoặc ai thô bỉ thì dùng móng tay) để cạy ra một mảng, rồi xoa trong 2 bàn tay để hơi ấm làm tan butter ra. Khi tan thì nó không thành dạng nước loãng đâu, mà vẫn là kem hơi sệt, vừa đủ để thoa lên da, hơi khó tán đều. 

- Vì lích kích như thế nên nó chỉ phù hợp để thoa lên những vùng da nhỏ, ví dụ như mặt, khuỷ tay, đầu gối. Mình dùng để thoa toàn mặt vào buổi tối trước khi đi ngủ. Mình dùng lượng butter khoảng 2 hạt bắp to, thoa mặt còn dư một tí làm kem dưỡng tay luôn. 
- Hiệu quả dưỡng ẩm rất tốt, có thể xem là thuộc hàng thần thánh. Sáng ngủ dậy là những nếp nhăn dưới mắt đỡ sâu hơn thấy rõ chỉ sau 1 lần sử dụng (do da ẩm thì căng mượt hơn/ plump skin, chứ shea butter không xoá nếp nhăn nhé).
- Buổi sáng mình rửa mặt với sữa rửa mặt Hada Labo, và mình nhận thấy 1 lần srm không rửa được hết, vẫn còn shea butter lưu lại trên da. Dùng thêm 1 lớp kem dưỡng mỏng là ổn, lớp trang điểm mịn mượt hơn bình thường một tẹo. 
- Nhược điểm là chất butter dày, khó rửa sạch, tạo cảm giác khá bí da. Đúng như dự đoán của mình, cứ dùng liên tục 2 đêm là da lên 1-2 cục mụn. 
- Hiện giờ mình dùng nó mỗi tuần 1 lần như một loại mặt nạ đêm (leave on night mask), buổi sáng rửa lại với cleansing oil và clarisonic cho sạch. 
-----

TAMANU OIL

Lý thuyết: Có khả năng làm lành các vết thương, vết phỏng, côn trùng cắn, mụn, cháy nắng, kháng khuẩn, kháng viêm, chữa sẹo, không có mùi nồng. Chống khô, chống lão hoá, giữ tính đàn hồi da. 

Mình mua: Tamanu oil 100% nguyên chất, giá €27.99 cho chai 100ml 

Thực tế: 
- Dầu có màu xanh lá đậm, hơi lợn cợn. Mùi hương theo mình là hơi giống mùi thuốc mỡ thoa vào chỗ bị phỏng, pha với một chút mùi gỗ thông. 

- Những review trên mạng phần lớn chỉ dùng một tí cho mặt, nên mùi hương không quá nồng. Nếu như bạn nào thoa toàn thân như mình thì chắc chắn mùi sẽ ra rất rõ. Mình thoa toàn thân (đúng nghĩa đen toàn thân, khắp mọi nơi nhé). Chất dầu không quá nhớt nhưng tất nhiên không thể ráo hoàn toàn
- Vì vừa có mùi vừa không khô ráo nên chỉ có thể dùng được lúc ở nhà, tắm xong thoa dầu, mặc quần áo dài tay rồi đi ngủ. 
- Mùi dầu ám vào quần áo, ga trải giường, vỏ gối, chăn mền everywhere trờiiii ơiiii giặt hai lần vẫn còn mùi! Sau 3 lần thoa 6 lần giặt đồ quá nản chia tay -.-  
-----

BASISZALF (basic ointment) 

Lý thuyết: Đây là kem dưỡng bác sĩ kê toa cho mình, một dạng thuốc mỡ căn bản của công ty dược nội địa Hà Lan. Thành phần rất đơn giản, mình nghĩ các bạn ở nước khác có thể dễ dàng tìm được phiên bản tương tự. Dùng được cho mọi loại da, kể cả những vùng da nhạy nhất như mí mắt.

Thành phần: Cetostearyl alcohol, Wool grease, liquid paraffin, white vaseline. 

Thực tế:
- Gần như không màu, không mùi, nhưng nếu ngửi kỹ thật kỹ thì có cảm giác như có mùi tanh nhẹ của lòng trắng trứng. 
- Giữ ẩm ổn nhưng hơi rít. Chất kem đặc như thoa vaseline toàn thân, không dễ tán. Mình chỉ dùng khi chưa mua được Dexeryl, có Dexeryl rồi thì mình thèm không dùng nó nữa. 
-----

Nếu da bạn không có vấn đề gì mà chỉ đọc cho vui thì mình mong rằng bạn không bao giờ cần dùng đến những thứ kể trên. Hy vọng bài viết này có ích cho các bạn đang gặp vấn đề về da. Chúc các bạn sớm bình phục! :)

Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

Web mua dưỡng da mỹ phẩm giá rẻ từ Mỹ ship quốc tế


Mình biết đến web iHerb.com gần đây; biết rồi mới thấy mình quê mùa vì đám bạn mình đã dùng iHerb từ đời tám hoánh rồi. Mình vừa đặt mua hàng của iHerb, ship từ Mỹ về Hà Lan chỉ mất 10 ngày. Đó là mình chọn standard shipping nên chậm, chứ nếu chọn express shipping thì chỉ mất 4 ngày thôi. Mình rất ưng ý với dịch vụ của web, giá bán lại rẻ nữa, nên muốn giới thiệu với các bạn. iHerb hoạt động từ 1996 và giao hàng đến hơn 150 nước, trong đó có cả Việt Nam. Trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu những vấn đề liên quan đến mua hàng, bao gồm cả thuế nhập khẩu ở hải quan Việt Nam. 



Giá rẻ và mặt hàng phong phú:

Chuyện là cách đây mấy tuần, mình tìm mua dưỡng thể Alpha Hydrox 12% AHA Silk Wrap Body Lotion. Đây làm kem dưỡng chứa AHA, được rating cực kỳ cao (5/5 ở Paula's Choice và 4.2/5 ở makeupalley). Sản phẩm được bán ở Mỹ với giá $11.99 cho chai 340g. Mình ở Hà Lan thì không kiểu gì mua được. Mình thấy có nhiều shop xách tay ở VN nhập về bán, mình định nhờ người quen mua đem qua Hà Lan, nhưng dạo một vòng thấy toàn bán giá 450-500k, gấp đôi giá Mỹ, nên mình tiếc tiền không mua =)) Sau một thời gian tìm kiếm, mình phát hiện iHerb.com có bán em này với giá chỉ $11.23 mà thôi.



Lượn một vòng trên web, mình tìm được rất nhiều món đồ Mỹ trước giờ mình ham hố. Web trữ hơn 35000 sản phẩm, từ mỹ phẩm, dưỡng da, đến đồ ăn và các loại thuốc bổ,... Tất cả đều có thông tin rõ ràng: miêu tả, thành phần, và hạn sử dụng.

Bên cạnh giá cực tốt, iHerb còn có khuyến mãi theo tuần, ví dụ có lần mình thấy khuyến mãi giảm extra 30% cho tất cả sản phẩm dưỡng da của hãng Mad Hippie. (Mình biết đến hãng này vì có lần thấy bạn Nhi Ngô The Skincare Junkie khen.)

 Các sản phẩm được chú thích Expiration Date rõ ràng 


Có nhiều sản phẩm giá tốt của Real Techniques, Neutrogena, e.l.f., Physician's Formula, EcoTools,... 






Code giảm giá:

Các khách hàng mua lần đầu có thể nhập mã MFD144 để được giảm $5 trên đơn hàng đầu tiên. Lưu ý là nếu muốn giả vờ làm khách mua hàng lần đầu tiên thêm lần nữa thì bạn phải tạo account mới, nhập địa chỉ nhận hàng khác, và thanh toán bằng thẻ khác. Chỉ cần có 1 trong 2 yếu tố bị trùng (địa chỉ hoặc thẻ ngân hàng), là iHerb không cho dùng lại code ngay ;) 

Tiền ship rẻ, thời gian ship nhanh:
  • Trong nội địa Mỹ, freeship đơn hàng trên $20.
  • Đối với các nước châu Âu, tiền ship chậm là $4, ship nhanh $8, hoặc freeship đơn hàng trên $40.
  • Giá ship nhanh bằng DHL về tận nhà riêng ở Việt Nam (hay bất cứ nước nào) chỉ mất có $8 cho đơn hàng trên $40 (nếu dưới số tiền này thì giá ship là $12); thời gian dự kiến là khoảng 5-9 ngày.
  • Nếu bạn dùng code MFD144 giảm giá lần đầu $5 thì tính ra chỉ mất có $3 tiền ship. Giả sử bạn muốn mua chai dưỡng thể Alpha Hydrox giống mình, giá $11.23 + ship $3, tổng cộng chỉ khoảng 300k, rẻ hơn rất nhiều so với mua hàng xách tay 450-500k. Đó là chưa kể, bạn có thể tha hồ mua thêm vài món nữa mà không lo mua phải hàng fake.

Thuế hải quan:

E hèm, đây là phần khá quan trọng: mua hàng thế nào để không phải đóng thuế. Trước hết, nếu bạn đang ở VN thì xin chúc mừng! Hải quan của VN rất thuận lợi. Thiệt đó, các bạn đừng than hải quan VN khó chịu, hải quan HL còn kinh dị hơn nhiều! Khi mua hàng từ iHerb.com về HL, mình gặp 2 khó khăn: 
  • Thứ nhất, hải quan châu Âu xét thành phần rất kỹ. Nhiều thành phần hợp pháp trong mỹ phẩm ở Mỹ nhưng lại bị cấm ở châu Âu (ví dụ: bột phấn talc). Mình phải đọc kỹ nhãn mác để tránh mua phải hàng chứa thành phần bị cấm. 
  • Thứ hai, mình chỉ được phép mua giá trị hàng rất thấp. Nếu mua đơn hàng trên $22 thì mình phải đóng 19% thuế VAT + 10euro lệ phí hải quan. 
Trong khi đó, hải quan Việt Nam lại khá dễ chịu: 
  • Danh sách hàng hoá bị cấm nhập vào VN khá lỏng lẻo, chỉ cần không phải ma tuý hay vũ khí gì đó là được. 
  • Căn cứ Điều 1 Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ: “Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1.000.000 đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.” Như vậy, bạn hoàn toàn có thể mua đơn hàng $40 (khoang 900k tại thời điểm mình viết bài) trên iHerb.com để được ship nhanh giá rẻ mà vẫn không bị đóng thuế. 
  • Trong trường hợp bạn mua trên 1 triệu đồng thì tiền thuế gồm 20% thuế nhập khẩu + 10% VAT + 20k lệ phí hải quan.


Trong hình là hộp hàng mình nhận được. Trên vỏ hộp có dán rõ thông tin hàng để hải quan tiện xem xét. (Personal Use, tổng trị giá đơn hàng $17.60, được gửi từ USA.) 





Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

So sánh 3 loại dầu tẩy trang Biore, Kose, và DHC

Trong bài viết này mình sẽ so sánh 3 loại dầu tẩy trang Biore, Kose, và DHC. Biore và Kose mình đã dùng hết chai, chỉ cố tình chừa lại một chút để dành lúc review chụp hình texture. Chai DHC thì đang xài giữa chừng.

Tên đầy đủ và hình web:
Biore Cleansing Oil
Kose Softymo Deep Cleansing Oil

DHC Deep Cleansing Oil


Từ hơn 1 năm nay mình chuyển sang dùng cleansing oil hoặc cleansing balm để tẩy trang. Lợi ích lớn nhất đó là không cần bông tẩy trang, vừa đỡ tốn tiền, vừa đỡ cảm giác tội lỗi mỗi ngày xả rác ra cả đống bông. Lợi ích thứ hai là tẩy trang rất sạch; trước đây sau khi rửa mặt mình thường dùng thêm toner có chức năng tẩy trang để lau mặt lại lần nữa, nhưng từ lúc chuyển qua cleansing oil/balm thì miếng bông toner không còn dính makeup còn sót lại như trước.

Cách sử dụng:
  • Hướng dẫn sử dụng của cả 3 em đều là thoa lên da mặt khô, massage để làm tan (dissolve) lớp makeup, rồi rửa sạch lại với nước.
  • Cá nhân mình thường tẩy trang mắt và môi riêng nếu có trang điểm đậm, tiếp theo massage dầu lên mặt khô, sau đó lấy một ít nước massage tiếp để nhũ hoá, rồi mới rửa lại với nhiều nước. Mình cũng áp dụng phương pháp double cleansing, nghĩa là sau khi tẩy trang với cleansing oil thì rửa mặt thêm lần nữa với sữa rửa mặt.
  • DHC và Kose không rửa lại với srm thì cũng tạm ổn, nhưng riêng Biore thì cực kỳ nhớt. Nếu muốn rửa sạch Biore Oil chỉ với nước thì chắc phải rửa đến khi cúp nước toàn khu phố -.-
Massage dầu để làm tan makeup và mascara trên mặt, sau đó rửa lại với nước

Bao bì:
  • Cả 3 đều là chai nhựa có vòi bơm tiện lợi.
  • Chai Biore có nắp đậy miệng vòi bơm. Chai Kose và DHC có chốt trên cổ vòi bơm.
  • Riêng chai Kose chất nhựa hơi bị giòn, vừa mua về mình đã làm rớt gãy mất vòi nhựa, nên bơm sản phẩm hơi bị khó.
  • Cùng xuất xứ từ hãng Nhật Bản, nhưng chai Kose Made in Thailand, còn 2 chai kia Made in Japan.

Khả năng tẩy trang:
  • Biore và Kose tẩy trang khá nhanh, tẩy được cả mascara waterproof.
  • DHC tẩy cũng được nhưng chậm hơn, cần thời gian massage nhiều hơn.

Texture:
  • DHC đặc nhất, chất dầu dày, massage trên mặt dễ chịu. Màu vàng đậm.
  • Kose rất loãng, dễ bị chảy be bét. Màu vàng mỡ gà rất nhạt.
  • Biore chất loãng vừa phải. Màu trắng.


Khả năng gây mụn hoặc kích ứng:
  • Biore là tẩy trang dạng dầu đầu tiên mình dùng. Không biết do da chưa quen với tẩy trang dạng dầu hay do thành phần, mà 2 tuần đầu tiên mình bị nổi mụn khá nhiều. Sau đó thì ko sao nữa. Trong thành phần của Biore có chứa Isopropyl Palmitate là một chất rất dễ gây mụn.
  • Thành phần của DHC có Olive Oil và Kose có Jojoba Seed Oil, 2 thành phần này có thể gây mụn cho một số bạn. Bản thân mình không có vấn đề gì với chúng cả.

Mùi hương: cả 3 đề có mùi dễ chịu
  • Biore có mùi trái cây rất rõ.
  • Kose có mùi gì mình không xác định được, nhưng nhẹ nhàng dễ thương lắm.
  • DHC có mùi dầu olive thoang thoảng.

Giá cả:
  • Biore 160k cho 150ml, tính ra 1066/ml. Mình mua ở siêu thị CoopMart.
  • Kose 190k cho 230ml, tính ra 826/ml. Mình mua ở cửa hàng đồ Nhật Hachi Hachi.
  • DHC €28.89 cho 200ml, mình mua ở HL nên tính giá euro. Giá ở VN dao động 620-680k tuỳ shop xách tay, mình lấy đại 650k để tính giá so sánh 3250/ml.

Tóm tắt:


Biore
Kose
DHC
Khả năng tẩy trang
Sạch, nhanh
Sạch, nhanh
Sạch, hơi lâu
Texture
Vừa
Rất loãng
Đặc
Khả năng gây mụn
Chứa chất dễ gây mụn
Thành phần ổn
Thành phần ổn
Mùi hương
Mùi trái cây
Mùi gì đó dễ thương
Mùi olive thoang thoảng
Giá cả
Vừa phải
Rẻ nhất
Mắc nhất



Tóm lại, mình không thấy có quá nhiều khác biệt giữa 3 chai này, dùng cái nào cũng được. Nếu mua lại thì mình sẽ mua lại Kose vì giá rẻ nhất, tẩy sạch nhanh, ít nhớt, mùi dễ thương, mỗi tội texture lỏng quá. Nhưng tạm thời mình khoan mua lại, vì dùng hết cleansing oil mình sẽ chuyển qua dùng cleansing balm để viết bài so sánh các loại cleansing balm hehe.

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

OLAPLEX - tẩy nhuộm không hư tóc

OLAPLEX LÀ GÌ VÀ TẠI SAO CÁC TÍN ĐỒ NHUỘM TÓC PHẢI BIẾT VỀ NÓ?
Olaplex là tên một công ty, tên một sáng chế, và là tên đơn giản của một hợp chất hoá học có khả năng “nhân rộng các liên kết và tăng cường các liên kết bị đứt gãy”. Nói một cách nôm na, khi nhuộm hoặc tẩy, tóc chúng ta hay bị đứt gãy đúng không nè? Olaplex giữ lại các liên kết trong tóc để tóc không bị gãy và nối liền các liên kết yếu để chúng khoẻ hơn. Như vậy, khi trộn Olaplex vào trong thuốc tẩy nhuộm, quá trình tẩy nhuộm tóc sẽ mang lại ít tổn hại cho tóc hơn. Ngoài ra, nhờ khả năng tăng cường liên kết, Olaplex cũng có thể dùng để phục hồi tóc hư tổn.

Thành phần hoạt động của Olaplex là hợp chất bis-aminopropyl diglycol dimaleate. Tất nhiên đây là một cái tên quá khó nhớ đối với người bình thường, nên người ta hay gọi đơn giản là hợp chất Olaplex.


Olaplex ra mắt lần đầu ở Mỹ vào tháng 12/2014 và ngay lập tức khuynh đảo giới làm tóc. Tất nhiên là có cả đống marketing, nhưng cũng không thể phủ nhận hiệu quả của nó. Tiếp theo, thị trường làm tóc ở các nước khác cũng tiếp nhận Olaplex, ví dụ như Hà Lan tháng 5/2015, và Việt Nam tháng 9/2015. Trên trang web của Olaplex nước ngoài, bạn có thể tìm hiểu rất nhiều thứ về Olaplex, và tìm chính xác địa chỉ của những hair salons có áp dụng Olaplex. Mình không thấy tính năng tìm hair salons như thế trên web Olaplex Việt Nam, nhưng qua google thì mình biết có nhiều salons ở VN cũng đã áp dụng "công nghệ" này.

OLAPLEX HOẠT ĐỘNG THẾ NÀO?
Một bộ Olaplex gồm ba bước. Liều lượng pha chế và thời gian để trên tóc tuỳ thuộc vào loại tóc và tình trạng tóc của khách hàng. Olaplex có thể được ứng dụng vào việc duỗi tóc, uốn tóc, hoặc dưỡng tóc (kiểu như Keratin treatment ấy), nhưng ứng dụng chính vẫn là trong việc tẩy nhuộm tóc. Vì vậy trong bài viết này mình tập trung giải thích cơ chế sử dụng trong tẩy nhuộm tóc thôi nhé.

Bước 1: Olaplex No.1 Bond Multiplier
Một hỗn hợp thuốc tẩy tóc bình thường gồm có bột tẩy tóc (powder lightener) và dung dịch perocide (developer). Olaplex số 1 sẽ được trộn vào hỗn hợp này theo tỉ lệ nghiêm ngặt, tuỳ thuộc vào kỹ thuật tẩy của mà người thợ chọn dùng. Nếu tóc bạn dày/nhiều thì sẽ cần nhiều bột tẩy hơn, nhiều dung dịch developer hơn, và thế là nhiều Olaplex hơn. 
Một số tỉ lệ tham khảo:
  • Kỹ thuật tẩy không giấy bạc: 30gr bột tẩy + 1.875ml Olaplex số 1
  • Kỹ thuật tẩy có giấy bạc: 15gr bột tẩy + 3.75ml Olaplex số 1

Sau khi tẩy, chúng ta thường phải có phần toning. Tóc tẩy dễ ra màu cam chói loá, nhất là đối với màu tóc ban đầu là màu đen. Vậy nên phần toning là cần thiết để làm màu tóc trông đỡ thú tính hơn =)). Olaplex số 1 được trộn vào toner với tỉ lệ 60gr toner + 3.75ml Olaplex số 1.
Đối với những bạn không tẩy mà chỉ nhuộm tóc bình thường, Olaplex cũng có thể được trộn vào thuốc nhuộm với tỉ lệ 60gr màu nhuộm + 3.75ml Olaplex số 1.
Một điều “kỳ diệu” của Olaplex mà chúng ta hay nghe đồn đó là khách hàng có thể tẩy tóc nhiều lần liên tục trong 1 buổi làm tóc (thay vì phải chờ tối thiểu 6 tuần cho lần tẩy tiếp theo). Điều này chỉ nên áp dụng cho những bạn có tóc khoẻ mạnh và chưa từng qua xử lý gì hết (virgin hair). Olaplex số 1 có thể giữ và tạo thêm liên kết tóc, dẫn đến ít tổn hại hơn, nhưng chưa chắn là hoàn toàn không tổn hại. Vì vậy bạn phải biết tự lượng tóc mình, đừng làm liều tra tấn nó quá mức.

Bước 2: Olaplex No.2 Bond Perfector
Sau khi tẩy/tone/nhuộm (một lần hoặc nhiều lần), ở cuối buổi làm tóc, tóc sẽ được gội sạch và lau sơ bằng khăn. Lúc này khoảng 15ml Olaplex số 2 sẽ được thoa lên tócđể thấm trong 10-20 phút rồi gội sạch.

Bước 3: Olaplex No. 3 Hair Perfector
Đây là bước không bắt buộc. Khách hàng có thể mua Olaplex số 3 (lọ 100ml) về nhà để tự dưỡng tóc. Cách dùng: gội đầu, lau sơ bằng khăn, thoa Olaplex số 3 lên tóc, dùng lược chải cho đều, để ít nhất 10 phút, rồi rửa đi, gội lại với dầu gội và dầu xả. Dùng 1 lần/tuần đối với tóc bình thường; và 2-3 lần/tuần đối với tóc hư tổn.


GIÁ CẢ:
Olaplex chỉ được phân phối về các hair salons chuyên nghiệp, nên bạn không thể nào tự mua về DIY được. Theo quảng cáo của Olaplex Mỹ, bạn có thể yêu cầu upgrade “nhuộm tóc thường” lên “nhuộm tóc Olaplex” với giá từ $15. Lưu ý đây chỉ là giá khởi điểm, giá thật sự mà bạn phải trả cho nhuộm tóc Olaplex có thể cao hơn con số này rất nhiều. Như mình có giải thích ở phần trên, tuỳ từng trường hợp mà bạn cần bao nhiêu ml Olaplex. Bên cạnh đó, mỗi salon có bảng giá riêng về việc họ tính 1ml Olaplex là bao nhiêu tiền.
Ví dụ trong trường hợp của mình, mình tẩy và nhuộm tóc ở Hà Lan vào đầu tháng 12/2015. Tóc mình dài quá vai một chút, sợi tóc mảnh, và số lượng tóc ít. Mình đến hỏi giá tẩy nhuộm ở một tiệm bình dân thì người ta ước lượng tổng giá là khoảng €50. Sau đó mình đi hỏi giá ở một tiệm cao cấp có dùng Olaplex thì người ta ước lượng tổng giá là khoảng €200 (không bao gồm Olaplex số 3). Mình ghi ra như vậy để các bạn có thể hình dung mức giá mà bạn phải trả khi tẩy nhuộm với Olaplex có thể sẽ chênh lệch rất nhiều so với tẩy nhuộm thông thường.
Tất nhiên là sau khi dò giá xong, mình chọn tẩy tóc với Olaplex, vì mục đích của mình là làm chuột bạch thử nghiệm trò này mà! Mình cũng phải nói rõ thêm: một phần giá mình nhuộm cao như vậy là vì người làm tóc cho mình là chị Marije, thợ tóc nổi tiếng của Hà Lan. Chị ấy còn là thành viên của The Unicorn Tribe, một câu lạc bộ gồm các “nghệ sĩ tóc” (hair artists) siêu đỉnh toàn thế giới. Các bạn có thể tìm tài khoản Instagram theunicorntribe (hiện có 36.6k followers) để xem các kiểu tóc ấn tượng.

HIỆU QUẢ:
Nói một cách ngắn gọn: mình không hề hối hận khi chi tiền cho Olaplex. Vốn dĩ trước khi tẩy nhuộm, tóc mình đã thuộc loại khô, rụng nhiều, và hư tổn. Phần tóc bấm phồng trên đỉnh đầu năm ngoái đã dài ra và rất giòn, bấm tay vào là gãy lìa. Mình biết chị Marije rất khó tính, nếu tóc đã hư thì chị ấy không cho tẩy, nên mình ăn gian bằng cách ủ dầu dừa liên tục 2 ngày. Nhờ tác dụng ngắn hạn tức thời của dầu dừa mà tóc mình trông có vẻ khá bóng khoẻ khi đến salon :P.

Tóc trước khi nhuộm (phần bấm phồng trên đỉnh đầu đã dài ra):

Trong quá trình tẩy (kĩ thuật có giấy bạc):

Sau khi tẩy, trước khi tone:

Thành quả (sau 5 tiếng): từ tóc đen thành tóc vàng khói, nhuộm chuyển màu giữ chân tóc đen

Sau khi tẩy nhuộm bằng Olaplex, tóc mình không bị tổn hại gì thêm. Hiện giờ, sau khi tẩy hơn 1 tháng, tóc vẫn khô (đang mùa đông ở Hà Lan nữa) nhưng ít rụng gãy hơn trước. Tóm lại Olaplex không phải là một loại nước thánh có thể bảo vệ và phục hồi tóc khỏi mọi hư tổn, nhưng nó là một chiếc khiên hữu ích cho những bạn tóc yếu mà vẫn thích uốn, nhuộm, hay thậm chí là tẩy tóc. Những thông tin trong bài viết này dựa vào trải nghiệm cá nhân của mình với Olaplex tại Hà Lan. Nếu có ý định dùng Olaplex, bạn chịu khó tìm hiểu ở các salons nơi bạn sống để có thông tin chính xác nhất nha.