Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

Chuyện mua giày Burberry

Dáng giày có hợp với cấu tạo bàn chân hay không là một yếu tố quan trọng quyết định sự thoải mái. Giày búp bê loại đơn giản ở Burberry (phần lớn dưới €500) không phải là quá mắc so với các nhãn hàng sang chảnh khác, nhưng nó cũng là một khoản đầu tư không nhỏ. Mình quyết định viết bài này vì 

(1) quá ấn tượng trước cách phục vụ của nhân viên ở đây; và 
(2) dáng giày của Burberry khá kén chân
Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu thêm về dáng giày búp bê của Burberry và quyết định nó có hợp với bạn không (trước khi bạn đặt mua hàng online chẳng hạn).

Phần 1: Quá trình mình chọn lựa và thái độ phục vụ của nhân viên.
Phần 2: Mô tả dáng giày và gợi ý cấu trúc chân phù hợp để mang.
Phần 3: Nhận xét về độ thoải mái của giày.
Phần 4: Cách bảo quản giày.
------------------------------------------------

1. TRONG CỬA HÀNG
Sau khi lượn qua lượn lại, cầm lên đặt xuống, thì mình đã thu hẹp lựa chọn chỉ còn hai đôi sau. Hai đôi này cùng một mẫu, chỉ khác nhau về màu sắc.
Bên trái: mũi và gót màu đen, bên hông là hoa văn Nova Check
Bên phải: mũi và gót màu kem, bên hông là hoa văn Smoked Check (hình web)

Chất liệu: canvas and patent leather upper, leather lining, rubber sole.
Nhiều người hay hiểu nhầm patent leather là chất liệu giả da hoặc PVC, nhưng đúng ra thì patent leather là da thật, đã qua xử lý và được phủ dầu hạt lanh để tạo bề mặt bóng loáng. Như vậy, mẫu giày này có phần bên hông là vải bố in hoa văn đặc trưng của Burberry, đế giày cao su, còn lại là phối các loại da.
Phần mũi và gót giày có dây thun để co giãn theo dáng chân.

Size:
Chân mình khoảng size EU 35.5, nên mình yêu cầu nhân viên cho thử size 35 và 36. Do dáng giày (mình sẽ viết chi tiết về dáng giày ở phần 2 nhé), mình mang vừa 35, nhưng hơi khó chịu. 36 bị dư gót nhưng thoải mái hơn. Một điều kỳ lạ là mình mang rộng đôi kem 36 nhưng rất chật vật để nhét vào đôi đen 36. Lưu ý là 2 đôi này chỉ khác màu, chứ cùng một dòng, cùng một mẫu, cùng một lô sản xuất nhé.
Đây là phần khiến mình ấn tượng đến suýt ngất. Chị nhân viên nói rằng: “Thật kỳ lạ là em không mang vừa đôi đen size 36. Nhưng mỗi chiếc giày có thể tạo cho người mang cảm giác khác nhau. Em thử một đôi đen size 36 khác nhé”. Và thế là chị ấy vào kho lấy ra tất cả những đôi đen size 36 của mẫu này. Vâng, vẫn là mẫu này! Chúng nó y chang nhau từ A đến Z, nhưng chị ấy kiên nhẫn mang cho mình thử từng chiếc một, vì biết đâu cảm giác của mình trên từng chiếc giày riêng biệt sẽ khác nhau. Sau cùng thì mình vẫn thấy thoái mái hơn khi mang đôi màu kem. 
Mình đã từng đi thử giày ở Louis Vuitton, nhân viên lịch sự, bưng trà nước đầy đủ, nhưng chỉ mang đúng những mẫu giày và size mà mình yêu cầu, không vừa hoặc không thoải mái thì thôi. Cuồng nhiệt phục vụ như chị bên Burberry đúng là mình mới gặp lần đầu ^^
Kết thúc vòng thử size, KEM 1 – 0 ĐEN.

Màu sắc: Lúc mới nhìn vào thì mình thích đôi đen hơn, vì đôi kem trông có vẻ nhạt nhòa, thiếu điểm nhấn, nhưng khi thử vào chân thì đôi kem trông nhã nhặn hơn và dễ phối đồ hơn đôi đen. Khi lên đồ, đôi màu kem còn dễ ghi điểm vì trông nó khá tinh tế chứ không quá phô trương như kiểu giày trong hình dưới. Ví dụ một set đồ tại đây.
Ví dụ một mẫu giày mà theo mình là màu sắc hơi phô trương

Vậy là KEM 2 – 0 ĐEN rồi. Mình quyết định mua đôi màu kem.
------------------------------------------------

2. DÁNG GIÀY: 
Theo mình thì dáng giày búp bê của Burberry hơi bị kén người mang. Bạn phải có một cấu trúc chân phù hợp mới thấy thoải mái. Phần lớn giày búp bê của Burberry có dáng giống nhau, nên mình sẽ lấy đôi của mình làm ví dụ.
Một số mẫu giày búp bê trên web Burberry. Phần lớn có hình dáng và chất liệu tương tự nhau.

Chiều rộng: mũi giày không phải là nhọn, nhưng nó thu hẹp về phía mũi và độ co giãn không cao. Nếu chân bạn thuộc loại rộng bề ngang, và các ngón chân “toe” ra chứ không khép vào nhau, thì bạn sẽ không thoải mái đâu. Đôi của mình có mã size là 36W, nghĩa là 36 Widefit, nghĩa là đã thuộc dòng rộng bề ngang của Burberry rồi, mà mình vẫn thấy mũi giày hơi bị hẹp (mình thấy hẹp thôi chứ mang không đau, ko có cảm giác gò bó nhé). Suy ra những dòng không có mã Widefit chắc sẽ khiến mình khó chịu.
Nhãn giày của mình. Size 36W = dòng giày rộng bề ngang

Độ dày của giày cũng không cao. Chân mình thuộc loại mỏng và khá “phẳng” mà mang vừa đủ. Nếu chân bạn thuộc loại đầy đặn thì mang vào sẽ thấy chân dư nhiều ra khỏi giày, trông không thanh lịch lắm.
Mang lên chân mình

Độ dài của giày thì dễ chịu hơn, nhờ có phần dây thun ở gót. Size 36 giày dài hơn chân mình một đoạn khoảng 1cm, nhưng nhờ dây thun mà giày vẫn ôm vào chân, nhìn vào không thấy bị dư, mang cũng thoái mái, không bị nhấc gót.

Tóm lại là mình thấy dáng giày thích hợp với những người có cấu trúc chân mỏng và phẳng, các ngón chân khít và thu hẹp về mũi. Lần đầu tiên mình thấy giày búp bê kén người mang như vậy. Đáng ra giày búp bê là kiểu giày dễ mang và thoải mái cho mọi người chứ. Mình sẽ không ngạc nhiên nếu sau này có một anh tự xưng là Hoàng tử Burberry, dùng giày Burberry để kén vợ, cô nào mang vào vừa hoàn hảo sẽ được cưới về =))
------------------------------------------------

3. ĐỘ THOẢI MÁI:

  • Mình có một phần gót chân cực kỳ nhõng nhẽo. Cho dù mang bất cứ thể loại giày gì, hình dáng thế nào, chất liệu mềm hay cứng, giá cả cao hay thấp thì gót chân luôn bị cạ tóe máu (vì vậy mình luôn phải mang vớ hoặc dán băng cá nhân vào gót). Thế nhưng khi có 1 đôi giày mới, mình luôn thử mang “chay” (không dán băng) để xem sẽ tóe máu cỡ nào -.- 

Mình hân hoan nhận ra là gót chân mình hoàn toàn lành lặn khi mang em Burberry. Phần dây thun ở gót giày khá êm và ôm chặt vào chân, khiến gót chân không bị cạ tới cạ lui khi đi lại.
Chị bán hàng có cảnh báo mình là một số người không thích phần dây thun ở gót giày, nhưng mình thì không thấy có vấn đề gì với nó.

  • Phần mũi giày khá ôm, nhưng không đến nỗi gò bó hay đau đớn. Mình đi bộ liên tục sau 4 tiếng thì bắt đầu thấy khó chịu phần mũi. Dưới 4 tiếng thì không sao.
  • Sau khoảng 15’ mang, phần mu bàn chân tiếp xúc với giày bị cạ đỏin dấu, nhìn không đẹp chút nào (dù mình không thấy đau). Càng mang lâu thì vết đỏ và dấu in càng nghiêm trọng. Có lần mình cởi giày ra trước mặt bạn bè sau khi mang được 2 tiếng, mọi người hoảng hốt hỏi mình có sao không. Thật sự mình hoàn toàn không đau, sau khi tháo giày khoảng 5' thì da trở lại bình thường.
Hình chụp sau 30' mang giày: mu bàn chân chỗ tiếp xúc với giày bị cạ đỏ và in dấu.
------------------------------------------------

4. BẢO QUẢN:

  • Phần mũi giày và gót giày là da bóng, phần hông là vải bố đã được phủ lớp bảo vệ, nên mình có thể dễ dàng dùng khăn ẩm lau sạch bụi hoặc vết bẩn.
  • Kèm theo giày là túi vảihộp giấy cứng để bảo quản.
  • Đối với giày da, thường bạn phải có cây căng giày, vì khi mang nhiều, da sẽ mềm và có thể “chảy” ra, dẫn đến giày bị mất dáng. Nhưng đôi mình mua có dây thun để giúp giày co lại dáng cũ khi mình không mang. Thêm vào đó là phần bên hông bằng vải bố, nên sẽ ít “chảy” hơn da thật. Vì vậy, trên lý thuyết thì đôi này không cần cây căng giày. Thực tế thế nào thì phải để thời gian kiểm chứng thôi.
Kèm theo giày là túi vải và hộp giấy cứng để bảo quản.

TÓM TẮT: nhân viên cuồng nhiệt, dáng giày kén người mang, nhưng nếu mang hợp dáng thì sẽ thấy thoải mái.

4 nhận xét:

  1. em rat thich cac bai viet cua chi, rat ti mi chi tiet va duoc dau tu ky luong <3 rat mong la chi van tiep tuc viet blog :p

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn e :) nhờ những comments thế này c càng có động lực viết ^^

      Xóa
  2. Mình có cái gót chân y như bạn, trừ những đôi giày mùa đông hay giày có thể đi tất (che gót) còn không đủ các loại giày từ đắt đến rẻ nếu cắn răng mà xỏ chân không thì y như rằng tối về sẽ bị cạ cho nổi bọng nước :-SS Thế là mình luôn phải đầu tư cho mỗi đôi giày mới mua một cặp gel (hình như bằng silicon) chuyên dán gót, dán luôn vào gót giày, trong suốt, đi êm hơn băng cá nhân rất nhiều, mà cũng có tính thẩm mĩ hơn nữa.

    Trả lờiXóa