Những đôi giày mình sử dụng trong bài viết này cao khoảng 11cm, rất bình thường chứ không phải loại giày mềm đi êm chân gì cả. Nếu chỉ mang vào không thì mình chỉ đi được khoảng 2 tiếng là đau không chịu được rồi. Với biện pháp hỗ trợ thì mình có thể mang 6-8 tiếng (bao gồm đứng liên tục, đi dạo phố, đi qua đi lại, nhảy nhót).
Vật liệu:
- Băng keo cá nhân loại to
- Băng keo cá nhân loại nhỏ
- Kéo Miếng lót nửa giày
- Vớ da/ Vớ đen – không bắt buộc
Bước 1: Ướm giày vào chân, đánh dấu phần giày cứa vào gót chân. Dán một miếng băng cá nhân to (rộng khoảng 3-4cm) để che lại phần đó. Dùng băng cá nhân to để che chắn được nhiều hơn vì lúc đi, giày còn di chuyển xê dịch chỗ cứa nữa.
Bước 2: Dùng băng cá nhân loại nhỏ dán vòng quanh ngón út. Mặt bông của băng áp vào phần ngoài ngón út (phần tiếp xúc với giày). Miếng băng này sẽ giảm va chạm giữa ngón út và giày khi đi lại.
Bước 3: Đây là bước rất quan trọng. Vị trí này ít người biết đến vì nó không trực tiếp đau, nhưng lại tạo nên sự khác biệt rất lớn: dán dính ngón áp úp và ngón giữa lại với nhau.
- Ở giữa 2 ngón chân này là nơi dây thần kinh rẽ ra. Khi đi lại, xương ngón chân chà xát vào dây thần kinh, gây cảm giác đau và mỏi chân. Bằng cách dán 2 ngón lại, bạn sẽ bảo vệ dây thần kinh, giảm va chạm lên nó.
- Nếu băng cá nhân của bạn thuộc loại dãn tốt thì bạn chỉ cần dán 1 miếng. Nếu không thì bạn nối 2 miếng lại với nhau để đảm bảo băng không tuột ra.
- Lưu ý: bạn chỉ cần khép 2 ngón chân lại với nhau, chứ không phải bó chặt chúng lại. Dán lỏng tay thôi, dán chặt quá máu không lưu thông được còn đau hơn. Sau khi dán xong, kiểm tra độ chặt bằng cách dẫm chân xuống sàn, nhấn nhấn vài cái. Nếu cảm thấy thoải mái thì ok, nếu thấy bị bó chặt và khó chịu thì nới băng ra.
Bước 4: Nếu bạn thường bị giày cứa vào mu bàn chân, thì ướm giày vào, đánh dấu và dán thêm băng vào chỗ đó. Mình chưa bao giờ bị với bất cứ giày nào nên mình không cần dán.
Bước 5: Lót miếng nhựa dẻo vào phần mũi giày. Nếu giày bạn đã được lót êm ái rồi thì bạn có thể bỏ qua bước này. Miếng nhựa dẻo giúp giày ôm khít chân hơn, giảm cọ sát giữa chân và giày. Đối với những giày không được lót kỹ, miếng này tạo một bề mặt êm ái cho chân dẫm vào dễ chịu hơn.
Cách dán này được áp dụng với tất cả giày cao gót mình mang.
Bước 6 (không bắt buộc): Mang vớ da để giúp cố định các miếng băng cá nhân, giúp cọ xát giữa chân và giày trơn tru hơn, và để che bớt đống băng cá nhân :P
Bước 7: Sau khi đi về, bạn nhớ tháo hết đống băng ra nhé. Để cho da chân được thở, máu lưu thông, chất ẩm không bị đọng lại, và tránh gây hiểu lầm chân bạn đang mang trọng thương xD (Mình thường quên tháo nên cứ hay có người hỏi thăm)
Bước 8: Ngâm chân trong muối khoáng/dầu olive
- Mình đặt kế hoạch ngâm chân 1 tuần/lần để thư giãn, tăng cường tuần hoàn máu, cung cấp dưỡng chất cho da chân; nhưng mà cứ lười hoặc quên hoài hà.
- Mình rất ít mang giày cao gót, sau mỗi lần mang chắc chắn mình sẽ “bù đắp” cho chân bằng cách ngâm chân. Hiện tại mình dùng muối khoáng chứa tinh chất bạc hà và chanh của De Tuinen (€9.95 cho 500g)
Cám ơn chủ blog về bài viết rất hữu ích. Mình sẽ in ra và dán ở phòng mẹ, phòng mình, phòng chị gái :))
Trả lờiXóaHehe, dán vài lần là nhớ, ko cần nhìn giấy nữa đâu :P
Xóa